Thành viên
Liên kết thư viện
Hỗ trợ trực tuyến
Đăng nhập skype hoặc Yahoo Messenger để nhận hỗ trợ trực tuyến:
Thống kê truy cập
Đang online
Khách: 2
Thành viên: 0
Tuần này
Khách: 46,228
Thành viên: 2,080
Tổng số
Khách: 2,313,621
Thành viên: 31,677

Đào tạo nguồn nhân lực ngành ở Việt Nam-50 năm nhìn lại

Đăng ngày: 30/12/2010; 20 lần đọc. In trang Quay lại

 Ở Việt Nam, trong 50 năm qua, kể từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng vào năm 1954, cùng với sự thay da, đổi thịt về mọi mặt của đất nước, sự nghiệp Thông tin - Thư viện (TT-TV) nói chung và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ngành TT-TV nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Chúng ta dễ dàng nhận thấy bức tranh toàn cảnh, sinh động về sự phát triển không ngừng của sự nghiệp đào tạo này trong những năm qua, đặc biệt từ những năm cuối của thế kỷ XX cho tới nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông ngày càng phát triển mạnh mẽ và Việt Nam đang trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 1. Những thành tựu cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực  ngành Thông tin – thư viện

1.1. Sự phát triển của hệ thống các cơ sở đào tạo

 

Trước năm 1954, việc đào tạo công chức và phân bổ nguồn nhân lực cho hệ thống thư viện các nước Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng do Thư viện Trung ương Đông Dương Hà Nội (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam - TVQG VN) trực thuộc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương phụ trách. Khoá học đầu tiên được bắt đầu từ năm 1931. Trong suốt 14 năm đào tạo nghiệp vụ thư viện (từ 1931 đến tháng 3/1945 khi xảy ra cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương), các cơ sở đào tạo không hề phát triển và mở rộng thêm mà vẫn chỉ có một cơ sở đào tạo duy nhất là Thư viện Trung ương Đông Dương Hà Nội.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù bộn bề công việc của một Nhà nước còn non trẻ, Chính phủ đã rất quan tâm đến sự nghiệp thư viện. Nhưng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các thư viện chưa kịp triển khai thì thực dân Pháp quay lại xâm lược (12/1946). Cả nước phải tập trung cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, thực tế hoạt động của các thư viện đòi hỏi phải bổ sung một nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ mới của cách mạng. Một khó khăn đặt ra là: sau gần 10 năm (1945 - 1954) việc đào tạo không được triển khai, nên nguồn nhân lực thư viện tuy được tăng cường nhưng hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố con người trước nhiệm vụ mới, Quốc gia Thư viện (nay là TVQG VN) đã đi đầu trong việc mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, không chỉ cho thư viện của mình  mà còn cho các thư viện khác. Sau 6 năm (1954 - 1960), các lớp đào tạo ngắn hạn này lại được nhân lên tại các cơ quan TT-TV khác của các bộ, các ngành, các trường đại học, các tổ chức đoàn thể… nhờ vào nguồn nhân lực đã được đào tạo tại Quốc gia Thư viện (QGTV).

 

Năm 1961 là năm đánh dấu sự mở rộng và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành thư viện. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống thư viện các địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc các bộ, các ngành… đòi hỏi công tác đào tạo phải được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đội ngũ cán bộ thư viện cả về số lượng và chất lượng.  Năm 1960, các chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam giúp đỡ về nghiệp vụ và mở lớp đào tạo đầu tiên trình độ trung cấp thư viện. Do vậy, hệ thống các cơ sở đào tạo nghiệp vụ thư viện có điều kiện phát triển và mở rộng.

 

Năm 1961, Khoa Thư viện Trường Lý luận nghiệp vụ Văn hoá Hà Nội (LLNVVH HN) (nay là trường Đại học Văn hoá Hà Nội - ĐHVH HN) đã được mở. Đây là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ngành TT-TV đầu tiên ở Việt Nam, giai đoạn đầu có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học và trung cấp, sau một thời gian chỉ đào tạo trình độ đại học. Đến năm 1973, nhiệm vụ đào tạo này đã được chuyển về Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) với thời gian đào tạo 4 năm rưỡi.

 

Trải qua 50 năm, từ chỗ chỉ có một cơ sở duy nhất đào tạo nguồn nhân lực ngành thư viện ở trình độ sơ cấp, đến nay cả nước đã hình thành một mạng lưới các cơ sở đào tạo ở nhiều trình độ với nhiều hình thức đào tạo khác nhau và ngày càng phát triển. Đặc biệt, ngay từ những năm chín mươi của thế kỷ XX, mục tiêu đào tạo cử nhân đã được thay đổi về chất. Từ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực riêng lẻ cho từng loại hình thư viện (như chỉ cung cấp cho các thư viện công cộng thuộc các tỉnh, thành phố hay chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống các trung tâm thông tin khoa học chuyên ngành & thư viện khoa học chuyên ngành thuộc các bộ, các ngành, các viện, các trường đại học...) đã chuyển sang mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc, tác nghiệp trong môi trường tin học hoá cho tất cả các loại hình cơ quan TT-TV khác nhau trong toàn bộ mạng lưới TT-TV của cả nước. Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp với tên gọi Khoa Thư viện trước kia nay đã đổi thành Khoa Thông tin - Thư viện; Khoa Thư viện - Thông tin, hay Khoa Quản trị thông tin - thư viện…

 

Hiện nay, mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực TT-TV khá phong phú về loại hình đào tạo và đang ngày càng mở rộng. Mạng lưới này bao gồm các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo không chuyên nghiệp. Nhiệm vụ, chức năng của mỗi loại hình đào tạo đã được xác định rõ ràng.

 

Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp (gồm các khoa của các trường) thường đào tạo các khoá học dài hạn, hình thức đào tạo phong phú: hệ chính quy và tại chức với các trình độ, bậc đào tạo khác nhau: cao học, đại học, cao đẳng, trung cấp (cấp bằng tốt nghiệp); ngoài ra còn đào tạo các lớp ngắn hạn nâng cao trình độ (cấp chứng chỉ). Hiện nay, cả nước có 02 cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục & Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển đào tạo nguồn nhân lực ngành TT-TV trình độ sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (với các hình thức: thực tập sinh; thạc sĩ; tiến sĩ). 03 cơ sở đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Thư viện,  08 cơ sở đào tạo trình độ đại học; 10 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng. Ngoài ra còn có 13 cơ sở là các trường cao đẳng và trung học văn hoá nghệ thuật đào tạo nguồn nhân lực TT-TV trình độ trung cấp được đặt tại Trung ương và một số tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Đặc biệt, các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng ngành TT-TV đang phát triển nhanh trong những năm gần đây nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho hệ thống thư viện trường học trong cả nước, giúp các trường nhanh chóng đạt tiêu chuẩn Thư viện Trường học theo Quyết định số 01/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ký ngày 2/1/2003.

 

 Các cơ sở đào tạo không chuyên nghiệp ngành TT-TV chỉ đào tạo các lớp ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức với hình thức đào tạo tại chức. Hiện cả nước có 10 cơ sở đào tạo không chuyên nghiệp, hàng năm mở các lớp ngắn hạn nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong và ngoài hệ thống. Trong đó, 07 cơ sở là các cơ quan quản lý nghiệp vụ và trung tâm TT-TV lớn như Vụ Thư viện, TVQG VN, Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện TT-TV Y học Trung ương, Thư viện Trung ương Quân đội, Ban Chỉ đạo công tác Thư viện trường học - Nhà Xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo; 03 Hội nghề nghiệp lớn là Hội Thông tin tư liệu KHCN Việt Nam, Liên hiệp Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc và Liên hiệp Thư viện các trường đại học khu vực phía Nam ...

 

 

 

1. 2. Sự phát triển đội ngũ giảng viên ngành TT-TV

 

Trong thời gian 1931 - 1945, tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo của Thư viện Trung ương Đông Dương Hà Nội, hầu hết là người Pháp và họ chủ yếu tốt nghiệp Trường Ecole National des Chartes ở Pháp.

 

Từ năm 1954, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ngành TT-TV mới thực sự được bắt đầu và nhờ đó đội ngũ giảng viên cũng mới thực sự bừng nở cả về số lượng và chất lượng. Kể từ khi Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ngừng đào tạo, trong gần 10 năm (1945 - 1954) việc đào tạo nguồn nhân lực ngành thư viện không được triển khai, nên không chỉ đội ngũ cán bộ và nhân viên thư viện bị thiếu hụt mà đội ngũ giảng viên lại càng thiếu. Vậy bắt đầu từ đâu? Đây là bài toán rất khó, nhưng rồi QGTV đã có lời giải.  Đội ngũ giảng viên các lớp đào tạo trình độ sơ cấp chính là những công chức đã và đang làm việc tại thư viện - những người đã có kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều năm dưới thời thuộc Pháp. Lúc đầu, những người này dạy cho những nhân viên mới chưa có nghiệp vụ đang làm việc tại Thư viện . Các lớp sau, mở rộng đối tượng tuyển sinh, cho cả những người có bằng tú tài, hay cử nhân đang làm việc tại các thư viện khác. Dần dần những học viên được tốt nghiệp từ các khoá học tại QGTV trở về nơi làm việc và chính họ lại trở thành những giảng viên của các lớp đào tạo ngắn hạn giúp đồng nghiệp nâng cao trình độ  nghiệp vụ tại các cơ sở này.

 

Sau 6 năm tự đào tạo đội ngũ giảng viên, năm 1960 các chuyên gia và giảng viên của Liên Xô đã đến Việt Nam giúp mở lớp Trung cấp thư viện đầu tiên đặt tại QGTV. Lớp đầu tiên của hình thức đào tạo chính quy dài hạn này có 78 học viên được tốt nghiệp và chính họ sau này đã trở thành những chuyên gia, cán bộ giảng dạy chuyên nghiệp đầu đàn của ngành thư viện cách mạng Việt Nam. Từ đây, đội ngũ giảng viên đã được tăng dần về số lượng và không ngừng được nâng cao về trình độ nghiệp vụ cùng với sự ra đời hàng loạt các cơ sở đào tạo trên mọi miền đất nước.

 

Đến nay, chỉ tính riêng đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu ngành TT-TV trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đã có tới hàng trăm người. Tại các cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học và sau đại học, trung bình mỗi khoa có khoảng từ 10 đến 12 giảng viên và giảng viên chính. Các cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng, mỗi khoa có từ 5 đến 7 cán bộ giảng dạy… hầu hết đều có học hàm, học vị, trình độ sau đại học và một số ít đang học cao học trong nước và ngoài nước.

 

Ngoài ra, còn có hàng trăm giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có học hàm, học vị, đã và đang công tác tại các cơ quan TT-TV lớn của cả nước không chỉ đảm nhận việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo không chuyên nghiệp với chương trình ngắn hạn mà chính họ còn là giảng viên kiêm nhiệm được mời tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.

 

 

 

1.3. Sự đa dạng hoá các phương thức đào tạo và cấp bậc đào tạo nguồn nhân lực ngành Thông tin-Thư viện

 

Trước 1954, việc đào tạo nguồn nhân lực thư viện không được chú trọng. Nghề thư viện chỉ được coi là một nghề mang tính kinh nghiệm và kỹ thuật đơn thuần. Chỉ có một hình thức đào tạo duy nhất là mở các lớp ngắn hạn trình độ sơ cấp.

 

Năm 1960, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, lớp trung cấp thư viện chính quy đầu tiên với thời gian đào tạo 01 năm đã được mở. Trong những năm tiếp theo, hình thức đào tạo trung cấp chính quy này vẫn được tiếp tục duy trì, ngay cả trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ ở miền Bắc.

 

Năm 1961, khoá chính quy đại học 4 năm đầu tiên được mở tại Trường LLNVVH HN. Năm 1973, nhiệm vụ đào tạo này đã được chuyển về Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng thời gian đào tạo dài hơn trước (4 năm rưỡi). Từ năm 1965 năm 1967, lần đầu tiên, TVQG VN đã mở thành công loại hình đào tạo mới là Đào tạo tại chức trình độ trung cấp trong thời gian 02 năm, nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ đang công tác tại các thư viện khác nhau.

 

Những năm sau này, mặc dù, Trường LLNVVH HN và Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mở lớp đào tạo hệ dài hạn đại học TT-TV nhưng TVQG VN vẫn tiếp tục mở các lớp sơ cấp ngắn hạn 01 năm. Năm 1969, TVQG VN đã mở lớp đào tạo hệ tại chức trình độ đại học, thời gian đào tạo 4 năm rưỡi và cấp bằng tốt nghiệp đại học tại chức. Đáng chú ý là vào thời gian này, một hình thức đào tạo mới đã được TVQG VN triển khai lần đầu tiên: Mở rộng địa bàn đào tạo. Từ hình thức đào tạo tại chỗ ở Hà Nội, học viên về TVQG VN học, đã tiến hành mở các lớp ngắn hạn tại các tỉnh. Khác với các lớp ngắn hạn trước, thời gian học của các lớp này kéo dài hơn. Về sau, do nhu cầu giảm đi nên các lớp ngắn hạn mở ít dần.

 

Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành TT-TV đã được đa dạng hoá về phương thức và bậc đào tạo. Tương ứng với mỗi phương thức và bậc đào tạo có các chương trình và thời gian đào tạo phù hợp. Vừa đào tạo chính quy, vừa đào tạo tại chức và có nhiều bậc đào tạo khác nhau: Trình độ sơ cấp, cao đẳng, trình độ đại học, trình độ cao học... Ngoài ra, còn có các lớp đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với thời gian đào tạo tuỳ theo yêu cầu nội dung đào tạo cho từng lớp học.

 

Địa bàn đào tạo tại chức dài hạn hoặc ngắn hạn không chỉ được mở ngay tại Trường mà còn triển khai ở các cơ sở liên kết đào tạo như các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh, các cơ quan TT-TV lớn ở Hà Nội và các tỉnh trên địa bàn cả nước. Đây chính là hình thức tổ chức đào tạo mà TVQG VN đã áp dụng đầu tiên từ năm 1967.

 

Từ năm 1961 đến năm 1990, bên cạnh các hình thức đào tạo khác nhau trong nước, Đảng và Nhà nước còn tuyển chọn nhiều người cử đi đào tạo trình độ đại học và sau đại học tại Liên xô và các nước Đông Âu bằng ngân sách nước ngoài. Sau gần 10 năm gián đoạn, hình thức đào tạo cán bộ ngành TT-TV trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài lại được tiếp tục mở nhưng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

 

 

 

1.4. Đối tượng tuyển sinh đào tạo ngành TT-TV ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của xã hội

 

Năm 1931, khi mở khoá học ngành thư viện đầu tiên, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã quy định đối tượng tuyển sinh là các thư ký tập sự người bản xứ thuộc ngạch công chức Lưu trữ - Thư viện và có bằng tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học Pháp - Việt. Đến năm 1943, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã mở rộng hơn đối tượng đào tạo. Hàng năm, Nha đã nhận thêm học viên dự thính. Số học viên này phải có bằng tú tài hay cử nhân và được phép dự kỳ thi tốt nghiệp chung với những thí sinh có bằng Cao đẳng tiểu học Pháp - Việt nhưng họ được xếp hạng theo một Bảng tốt nghiệp riêng.

 

Sau năm 1954, để đáp ứng nguồn nhân lực cho việc duy trì hoạt động và phát triển hệ thống thư viện phục vụ công cuộc xây dựng cuộc sống mới, đối tượng tuyển sinh lúc này cũng được mở rộng song song với việc mở rộng các cấp đào tạo khác nhau: trung cấp, đại học, sau đại học... (chuyên tu, tại chức).

 

Đặc biệt, sau năm 1975, đối tượng tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực TT-TV ngày càng được mở rộng, không chỉ giới hạn trong các đối tượng tốt nghiệp phổ thông trung học mà còn hướng tới mọi đối tượng có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tuỳ theo nhu cầu đào tạo của mỗi cá nhân hay các cơ quan cử đi học. Những đối tượng này là cán bộ đương nhiệm chưa có bằng đại học TT-TV hoặc đã có bằng đại học nhưng khác ngành/chuyên ngành hoặc có bằng đại học TT-TV rồi nhưng muốn tiếp tục nâng cao trình độ cao hơn… Đối tượng tuyển các lớp tại chức không chỉ là những người đang đi làm mà có cả những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học sau 02 năm. Những năm gần đây, đối tượng tuyển các lớp cao học cũng được mở rộng. Bên cạnh các cán bộ đương nhiệm còn có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được chuyển tiếp, sinh viên chính quy vừa tốt nghiệp hoặc sinh viên tại chức có bằng tốt nghiệp từ loại khá trở lên…

 

Như vậy, hiện nay, diện đối tượng được đào tạo ngành TT-TV ở các trình độ khác nhau là khá phong phú và đa dạng.

 

 

 

1.5. Việc xây dựng, thực hiện chương trình giảng dạy; Biên soạn bài giảng, giáo trình; Trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngày càng được tăng cường

 

          Trước 1954, bài giảng của các lớp học ngắn hạn trong cơ sở đào tạo của Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương rất ít ỏi. Năm 1934, các bài giảng này đã được tập hợp và in thành một cuốn tài liệu với tên“Cẩm nang của Nhân viên lưu trữ"  (Manuel de L’Archiviste).

 

Sau năm 1954, đáp ứng yêu cầu cấp bách mở các lớp sơ cấp và nâng cao trình độ ngắn hạn từ 2 đến 3 tuần hay từ 1 đến 3 tháng, nội dung và chương trình đào tạo cũng đã được soạn thảo. Với mục tiêu đào tạo sơ cấp là trang bị cho người học kiến thức sơ đẳng nghiệp vụ thư viện, nên ban đầu nội dung và chương trình đào tạo các lớp mới chỉ chú trọng tới kỹ thuật thư viện có từ thời thuộc Pháp. Nhưng những lớp sau đã được bổ sung kiến thức cập nhật từ kỹ thuật và lý luận thư viện mới của Liên Xô.

 

Từ năm 1961 đến nay, hàng trăm cán bộ TT-TV các thế hệ được đào tạo tại Liên Xô, các nước Đông Âu, Mỹ, Pháp, Canada… trở về. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài,…đã tạo điều kiện cho việc nghiên cứu xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo mới, cũng như việc triển khai biên soạn bài giảng, giáo trình có nội dung cập nhật. Từ những năm cuối của thế kỷ XX đến nay, mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo không chỉ giới hạn trong các nghiên cứu ứng dụng của Nga mà còn của nhiều nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp, Canada… Hàng năm,  mục tiêu, nội dung, chương trình đã được phép điều chỉnh 20%. Nội dung các bài giảng, giáo trình đã được từng bước thay đổi, cập nhật phù hợp với sự biến đổi về chất của ngành TT-TV dưới sự phát triển và tác động mạnh mẽ của CNTT & Viễn thông. Các chuẩn nghiệp vụ tin học hoá mang tính Quốc tế đã được nghiên cứu và đưa vào chương trình đào tạo. Chủ trương đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp đào tạo đang được thực hiện. Nhiều bài giảng điện tử bước đầu đã và đang được triển khai biên soạn và áp dụng.

 

Tại các cơ sở đào tạo ngành TT-TV, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện. Hệ thống giảng đường, phòng tư liệu, thư viện, phương tiện giảng dạy hiện đại ngày càng được chú trọng đầu tư, mở rộng, và hiện đại hoá.

 

 

 

1.6. Nguồn nhân lực TT-TV chuyên nghiệp đã phát triển nhanh chóng, nhiều người sau tốt nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả làm việc

 

Trước năm 1954, nguồn nhân lực ngành thư viện được đào tạo không chỉ quá ít về số lượng mà còn quá thấp về trình độ học vấn, do chỉ có một hình thức đào tạo duy nhất là mở các lớp ngắn hạn trình độ sơ cấp. Vì vậy, từ năm 1931 đến 1945, tổng số học viên trình độ sơ cấp tốt nghiệp chỉ có 220 người. 

 

Sau 50 năm nhìn lại, nguồn nhân lực TT-TV chuyên nghiệp đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng đào tạo. Đến nay, các cơ sở đào tạo cả nước đã cung cấp cho ngành hàng chục nghìn nhân lực có trình độ nghiệp vụ ở các cấp bậc đào tạo khác nhau. Với mục tiêu đào tạo và hình thức đào tạo phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, nên sản phẩm đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đến nay, nguồn nhân lực này đã nhanh chóng nắm bắt và đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng theo hướng hiện đại, tin học hoá của nghề TT-TV. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong số nhân lực TT-TV nói trên, hàng trăm người đã có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Họ không chỉ được đào tạo ở Liên Xô, Mỹ, Pháp, Canada, Australia, New Zealand… mà còn được đào tạo ngay tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 1959 TVQG VN đã đào tạo 300 người có trình độ sơ cấp. Năm 1960, đào tạo được 78 người có trình độ trung cấp. Chính họ sau này trở thành chuyên gia, cán bộ chuyên môn đầu đàn của ngành thư viện cách mạng Việt Nam.

 

Đăc biệt, kể từ khi các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp được bắt đầu thành lập từ năm 1961 và phát triển không ngừng cho đến nay, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực TT-TV đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tổng số cán bộ đang công tác tại hệ thống các trung tâm thông tin KHCN thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các tỉnh thành trong cả nước là trên 5000 người. Họ là những người đã được đào tạo chuyên nghiệp, trong đó, khoảng 65 % cán bộ có trình độ đại học và 4% có trình độ trên đại học ngành TT-TV. Chỉ tính riêng cán bộ của TVQG VN và của Hệ thống Thư viện Công cộng của 64 tỉnh thành và 600 thư viện cấp Huyện đã có tới 2000 người được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn vững vàng và có kinh nghiệm công tácSố cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn trong Hệ thống thư viện trường học của cả nước là 9171 người. Ngoài ra còn nguồn nhân lực hiện đang làm việc tại hệ thống các cơ quan TT-TV thuộc các lực lượng vũ trang của cả nước… và nguồn nhân lực đang làm việc tại các Trung tâm TT-TV của các tổ chức phi chính phủ và các công ty ngoài quốc doanh.

 

Hiện nay, trên cả nước, mỗi năm hàng nghìn học viên được đào tạo từ các hệ, từ các bậc tiếp tục được tốt nghiệp. Vì vậy, trong những năm tới, chắc chắn số lượng và trình độ nghiệp vụ của nguồn nhân lực TT-TV này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước.

 

TS. Trần Thị Quý

Trường ĐHKHXH&NV- ĐH QGHN

Các tin khác

Sách theo phân loại
Lịch phục vụ
Tầng 2
Thứ 2 đến thứ 5
Sáng: 7h15 - 11h15
Chiều: 13h30 - 16h45
Thứ 6:
Sáng: 7h15 - 11h15
Chiều: Không phục vụ
(CB tham gia xử lý nghiệp vụ)
Thứ 7, chủ nhật: Không phục vụ
Cơ sở dữ liệu